Ngày nay, một chiến lược sản phẩm hiệu quả đang được coi là mục tiêu hàng đầu của mỗi doanh nghiệp. Bởi một sản phẩm nếu tiếp cận được tới càng nhiều người tiêu dùng, doanh nghiệp càng thu về nhiều lợi ích như giảm chi phí, tăng lợi nhuận,… Vậy chiến lược sản phẩm là gì? Bạn đã hiểu và biết về lợi ích cũng như làm sao để xây dựng một chiến lược sản phẩm hiệu quả cho doanh nghiệp chưa? Hãy cùng Hapodigital tìm hiểu nhé.
Chiến lược sản phẩm là gì?
Chiến lược sản phẩm – Product strategy là tổng hợp các phương pháp và hành động được sử dụng trong quá trình phát triển một sản phẩm, từ việc sản xuất đến phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng, nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách hàng và đem lại giá trị thặng dư cho doanh nghiệp.
Chiến lược sản phẩm là chiến lược đầu tiên và cũng là quan trọng trong marketing-mix, là cơ sở để làm nên một chiến lược Marketing hiệu quả.
>>> Tham khảo thêm: Marketing mix là gì ? Tổng hợp kiến thức về Marketing mix bạn cần biết
Vậy chiến lược sản phẩm có vai trò như thế nào? Tại sao chúng ta cần một chiến lược cho sản phẩm?
Sản phẩm là vũ khí cạnh tranh cốt lõi của mỗi doanh nghiệp, được tạo ra để làm hài lòng một nhóm đối tượng cụ thể. Chính vì vậy chiến lược sản phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của toàn xã hội.
Đối với doanh nghiệp
Chiến lược sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới phương hướng, quy mô sản xuất cũng như tốc độ phát triển của doanh nghiệp
Một chiến lược sản phẩm rõ ràng sẽ giúp nhân viên định hướng rõ ràng về mục tiêu chiến lược của công ty, giúp cán bộ có thể đưa ra những quyết định đúng hướng, tránh vướng vào những chi tiết nhỏ nhặt, đánh mất mục đích của doanh nghiệp. Đồng thời chiến lược sản phẩm giúp định rõ hơn quy trình sản xuất, tránh sự lòng vòng tốn thời gian vào những việc không cần thiết.
Đặc biệt, nếu có một chiến lược sản phẩm hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí và đẩy mạnh doanh thu, từ đó phát triển doanh nghiệp.
Đối với khách hàng
Việc khách hàng chọn mua sản phẩm còn phụ thuộc vào chất lượng cũng như giá cả của một sản phẩm. Khách hàng sẽ được sử dụng chất lượng phù hợp với giá tiền họ bỏ ra và họ sẽ chẳng bao giờ sử dụng lại một sản phẩm dở tệ cho dù có những kênh phân phối tiện lợi hay khuyến mãi hấp dẫn,… Chính vì thế chiến lược sản phẩm giúp người tiêu dùng sử dụng được sản phẩm có chất lượng đúng với giá tiền họ bỏ ra, mang đến những giá trị lợi ích lâu dài.
Đối với đối thủ
Với đối thủ cạnh tranh, khi bạn đưa ra một chiến lược giảm giá, khuyến mại, họ dễ dàng sao chép ngay lập tức. Tuy nhiên với sản phẩm, “đạo nhái” là việc rất mất thời gian. Chính vì vậy, nếu có chiến lược sản phẩm rõ ràng sẽ giảm tối thiểu mức độ cạnh tranh với các doanh nghiệp đối thủ khi sản phẩm của bạn là độc quyền, tạo thế chủ động trên thị trường.
Các mô hình chiến lược sản phẩm
Trong thực tế để tránh rủi ro và bất lợi trong kinh doanh, đồng thời mang về lợi nhuận tối đa các doanh nghiệp cần lựa chọn được mô hình chiến lược sản phẩm của mình. Sau đây, Hapodigital sẽ đưa ra cho các bạn những mô hình thường gặp:
Chiến lược sản phẩm theo hướng chuyên môn hóa
Để một doanh nghiệp đảm bảo tình hình kinh doanh ổn định, có được chỗ đứng vững mạnh trên thị trường, doanh nghiệp cần phải xác định chiến lược theo hướng chuyên môn hóa, theo 3 hình thức dưới đây:
Chiến lược chi phối bằng chi phí:
Đặc trưng của chiến lược sản phẩm này này là chi phí cá biệt trên một đơn vị sản xuất do tăng sản khối lượng sản xuất và hiện đại hóa, chuyên môn hóa đưa lại.
Chiến lược khác biệt hóa:
Nghĩa là doanh nghiệp sẽ tung ra thị trường một sản phẩm độc đáo chưa xuất hiện hoặc đã xuất hiện nhưng có đặc tính nổi bật hơn.
Chiến lược hội tụ:
Đối với chiến lược này, doanh nghiệp sẽ tập chung hoạt động vào một bộ phận nhỏ như là nhóm khách hàng, vùng địa lý, thời gian nào trong năm.
Chiến lược sản phẩm theo hướng đa dạng hóa
Trong nền kinh tế thị trường đầy rẫy những biến động, phát triển đa dạng hóa sản phẩm và chiến lược kinh doanh là điều tất yếu. Tuy nhiên các doanh nghiệp cần cân nhắc đa dạng theo hướng nào và cần tính toán cụ thể để thu được về lợi nhuận. Trên thực tế hiện nay xuất hiện 2 chiến lược:
Đa dạng hóa đồng tâm:
Phát triển đa dạng hóa trên nền của sản phẩm chuyên môn hóa
Đa dạng hóa kết hợp:
Phát triển đa dạng hóa các mặt hàng có tính chất, đặc điểm khác nhau
Chiến lược liên kết sản phẩm
Liên kết về phía nguồn
Chiến lược này nhằm làm khác biệt hóa các yếu tố đầu vào cho sản xuất và kinh doanh
Liên kết về phía gốc
Chiến lược này lại làm khác biệt hóa sản phẩm từ một số yếu tố, nguyên liệu chính ban đầu
Tuy nhiên để chọn được một chiến lược sản phẩm phù hợp doanh nghiệp cần căn cứ vào bản thân sản phẩm cũng như thị trường tiêu thụ, phải cân nhắc rất nhiều yếu tố khác nhau, đòi hỏi cần phải có những người lãnh đạo, cố vấn có tầm nhìn.
Nội dung để xây dựng một chiến lược sản phẩm
Tóm lại khi xây dựng một chiến lược sản phẩm, chúng ta cần quan tâm đến những nội dung nào? Xây dựng một chiến lược sản phẩm là việc của mỗi doanh nghiệp, tuy nhiên nó chưa bao giờ là đơn giản. Qua thực tế, để xây dựng một chiến lược sản phẩm, cần phải chú ý đến:
Nhãn hiệu và việc thiết kế bao bì
Quả thật là sai sót trong quá trình xây dựng chiến lược sản phẩm nếu bạn bỏ qua các yếu tố liên quan đến nhãn hiệu và bao bì của sản phẩm, bởi đây là những cái sẽ thu hút đầu tiên với khách hàng. Việc một doanh nghiệp sở hữu một bao bì bắt mắt, độc đáo sẽ dễ khiến khách hàng bị thu hút, từ đó tăng khả năng mua hàng, tạo nên những bước phát triển về doanh thu.
Nhìn vào thực tế, khi so sánh một sản phẩm nhập ngoại với một sản phẩm trong nước, ta dễ dàng thấy được sự chênh lệch vẻ bề ngoài, chưa nói đến chất lượng thì các doanh nghiệp Việt Nam đang làm khá kém mảng này. Các sản phẩm khi đưa ra thị trường thường đôi khi bị quá màu mè, phức tạp, khiến người mua không nhận được đủ thông tin, làm giảm khá nhiều giá trị của sản phẩm.
Bao bì chính là đại sứ thương hiệu cho sản phẩm, bề ngoài có thực sự thu hút thì mới làm kích thích khả năng mua của khách hàng. Chính vì vậy, nên có chiến lược đầu tư nghiêm túc về khía cạnh này bằng việc nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia có kiến thức. Bao bì không chỉ cung cấp những thông tin cần thiết cho sản phẩm mà còn gây dựng được cho bạn thương hiệu riêng. Đôi khi một sản phẩm thu hút, bắt mắt cũng là lý do để khách hàng quyết định mua sản phẩm đó.
Dịch vụ hỗ trợ khách hàng
Một chiến lược sản phẩm tốt là ngay cả khi khách hàng đang sử dụng nó vẫn được diễn ra qua các hình thức hỗ trợ, doanh nghiệp hỗ trợ, người tiêu dùng hài lòng, tiếp tục một chu kỳ mua lại sản phẩm. Trong thời buổi cạnh tranh, sản phẩm của bạn đẹp, đối thủ cũng có sản phẩm đẹp, sản phẩm của bạn có tính sử dụng cao, sản phẩm của đối thủ cũng không kém cạnh.
Vậy để có sự khác biệt cần phải làm gì ? Đấy chính là dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ khách hàng. Đôi khi đó chỉ cần là một cuộc gọi hỏi thăm về mức độ hài lòng khi sử dụng sản phẩm, xem khách hàng có muốn thay đổi góp ý điều gì không, có cần bên doanh nghiệp hỗ trợ không? Chính điều này đã làm nên uy tín của doanh nghiệp, tạo được lòng tin cho khách hàng, đồng thời từ đó điều chỉnh được sản phẩm cho phù hợp. Ngày nay, các dịch vụ chăm sóc khách hàng tự động cũng được phát triển bởi những thiết bị như trang Web, ứng dụng,… đảm bảo đáp ứng được nhu cầu khách hàng ở mọi lúc, mọi nơi, lại khiến doanh nghiệp không cần tốn thêm tiền để thuê nhiều nhân công ở nội dung này.
Phát triển sản phẩm mới
Tại sao cần phát triển một sản phẩm mới? Thật vậy doanh nghiệp cần liên tự tạo ra sản phẩm mới bởi nhu cầu của người tiêu dùng luôn thay đổi, họ luôn muốn tiếp cận những thứ mới mẻ và nếu bạn không đáp ứng kịp thời, họ sẽ thay đổi ngay sang nhãn hàng khác. Chẳng phải khi nhận thấy khách hàng có lối sống lành mạnh hơn, Coca đã tung ra sản phẩm Coca Zero để đáp ứng nhu cầu của thực khách. Chưa kể đến việc thị trường thay đổi, vòng đời của sản phẩm chấm dứt mà sản phẩm của bạn lại không được hoàn hảo thì việc phát triển sản phẩm mới được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất của doanh nghiệp.
Để phát triển một sản phẩm mới ngoài việc hình thành, lên ý tưởng, ước tính lợi nhuận và xây dựng chiến lược Marketing, doanh nghiệp cần phải đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng bằng các thử nghiệm thị trường, các chiến dịch dùng thử, giá tốt… Tóm lại, việc đúng im sẽ chỉ làm bạn tụt hậu mà thôi.
“Bí mật” 4 yếu tố then chốt trong quá trình tạo ra một chiến lược sản phẩm
Ta đã biết thế nào là chiến lược sản phẩm, cũng như vai trò, phân loại, nội dung của một chiến lược. Tuy nhiên không phải ai, doanh nghiệp nào cũng xây dựng được một chiến lược thật sự đem lại lợi nhuận. “Chìa khóa” cho vấn đề này xoay quanh 4 yếu tố quan trọng
Tập chung vào khách hàng tiềm năng
Khách hàng là yếu tố cốt lõi của kinh doanh, nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cần phải làm thật tốt khâu tiêu thụ sản phẩm. Thật vậy, bạn không thể phát triển một chiến lược sản phẩm khi mà chưa hiểu rõ khách hàng của mình là ai và bạn cần phải tìm họ ở đâu? Khách hàng tiềm năng – “Potential Customers” là người có mong muốn sở hữu hoặc có nhu cầu về sản phẩm đó trong thời điểm hiện tại hoặc tương lai.
Vậy ai là khách hàng tiềm năng của bạn? Có phải ai đang quan tâm đến mặt hàng của bạn cũng là khách hàng tiềm năng?
Không hẳn như vậy, khách hàng tiềm năng có thể là những người chưa biết tới sản phẩm hay dịch vụ mà bạn cung cấp hoặc chính doanh nghiệp của bạn hoặc đang tìm kiếm giải pháp hoặc có vấn đề liên quan đến sản phẩm, dịch vụ mà bạn cung cấp; đang so sánh lựa chọn giữa sản phẩm, dịch vụ của bạn và của đối thủ hoặc là đã mua và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của đối thủ cạnh tranh với sản phẩm của bạn…
Có rất nhiều nguồn giúp bạn tìm được các vị khách “vàng” này, tuy nhiên khi tìm được họ rồi, điều quan trọng nhất doanh nghiệp cần làm là hiểu được họ đang muốn gì ở sản phẩm của bạn, thu hút sự chú ý đồng thời tạo được mối quan hệ với lượng khách này. Ngoài ra, cần luôn trong trạng thái sẵn sàng thay đổi chiến lược sản phẩm nếu có bất cứ phản hồi nào từ họ.
>>> Tham khảo thêm: Khách hàng là gì ? Một số kiến thức bạn cần biết về khách hàng trong marketing
Cần hiểu đối thủ cạnh tranh
Sự thành công luôn mang đầy các yếu tố khác biệt. Tuy nhiên tất cả các doanh nghiệp trên thị trường đều phải đối mặt với sự cạnh tranh. Ngay khi bạn là quán ăn duy nhất trong thành phố thì bạn sẽ vẫn phải cạnh tranh với các rạp chiếu phim, nhà hát… Cho dù chúng ta có muốn hay không, đối thủ cạnh tranh của ta vẫn ở khắp mọi nơi, họ đang khao khát chiếm được lượng khách hàng mà ta đang có. Vì vậy, các doanh nghiệp nói riêng và sản xuất nói chung cần phải dành thời gian để theo dõi các đối thủ. “Bằng cách theo dõi các đối thủ cạnh tranh đang làm gì, bạn có thể biết được hành vi của họ và dự đoán những gì họ sẽ làm tiếp theo. Sau đó, bạn có thể lập kế hoạch chiến lược để giữ chân khách hàng của mình khỏi sự tấn công của các đối thủ cạnh tranh” (Theo Arthur Weiss, giám đốc điều hành Aware tại Anh).
Vậy bạn cần tìm hiểu gì về họ? Nói một cách dễ hiểu, bạn nên so sánh khách quan xem những gì mình làm và những gì họ làm có gì khác nhau, họ định giá sản phẩm ra sao, báo cáo tài chính của họ trong thời gian gần đây như thế nào, rồi điểm mạnh điểm yếu của họ…
Chúng ta cần những yếu tố này để có thể lên được một chiến lược sản phẩm hoàn hảo nhất và làm cách nào để: Khách hàng chọn bạn chứ không chọn đối thủ của bạn.
Quan tâm đến đầu ra sản phẩm
Liệu kinh doanh có còn là kinh doanh nếu không nói đến các yếu tố lợi nhuận? Đúng như vậy, việc bạn đưa ra một sản phẩm mà không hình dung được khách hàng sẽ mua nó như thế nào sẽ làm ảnh hưởng sâu sắc đến lợi nhuận và đó gọi là chiến lược sản phẩm không hiệu quả. Nguy hiểm hơn nếu bạn không tìm được đầu ra cho sản phẩm, doanh nghiệp của bạn dễ rơi vào tình trạng lỗ vốn, dẫn đến tình trạng phá sản.
Để tìm được đầu ra cho sản phẩm, chúng ta cần có sự phân tích từ sản phẩm và tình hình thị trường:
Mô hình kinh doanh của bạn là gì? Nếu sản phẩm của bạn được tung ra thị trường, ai sẽ là người tiếp nhận nó? Tìm được phân khúc cho sản phẩm?
Nếu sản phẩm của bạn là hàng tiêu dùng, nhà bán lẻ nào sẽ phân phối nó? Hay sản phẩm sẽ được bán độc quyền quan phương thức trực tuyến?
Điều gì là khó khăn nhất khi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh? Đối với rất nhiều chủ doanh nghiệp, câu trả lời chính là việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Để có một sản phẩm hay dịch vụ tốt đến mức có thể chắc chắn rằng rất nhiều người cần đến nó, bạn phải nỗ lực rất nhiều.
>>> Tham khảo thêm: Thị trường mục tiêu là gì ? Các phương án lựa chọn thị trường mục tiêu trong marketing
Lưu ý đến những yếu tố vĩ mô
Môi trường vĩ mô bao gồm các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa có tác động đến toàn bộ môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể kiểm soát, thay đổi được các yếu tố của môi trường vĩ mô, tuy nhiên chúng mang lại những cơ hội mới cũng như các thách thức đối với các doanh nghiệp. Chính vì thế doanh nghiệp cần hết sức lưu ý đến những yếu tố vĩ mô song song cùng quá trình phát triển sản phẩm để có một chiến lược sản phẩm đầy đủ hơn.
Tổng kết
Có thể thấy, chiến lược sản phẩm là một trong những bước quan trọng để tạo nên một chiến lược kinh doanh hoàn hảo, đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ lưỡng về những yếu tố trên để có thể xây dựng những chiến lược cho phù hợp. Hapodigital cảm ơn các bạn đã theo dõi.